Bí ẩn quẻ dịch, bài 3, quẻ 9-12/ Tiểu súc, Lý, Thái, Bĩ.
Thứ Tư
BÍ ẨN QUẺ DỊCH. 3
9. QUẺ PHONG/THIÊN TIỂU SÚC
10.QUẺ THIÊN/ TRẠCH LÝ
11. QUẺ ĐỊA/ THIÊN THÁI
12. QUẺ THIÊN/ ĐỊA BĨ
9. QUẺ PHONG/THIÊN TIỂU SÚC
“Mật Vân Bất Vũ” – Tạm thời phải nhẫn. (Mật vân: mây dày đặc)
“Tiểu súc” có nghĩa là “khí âm phát, thịnh vượng, khí dương bị tù hãm, chứa chất, chưa bộc lộ”, có khí mà không có chất, vì vậy mới có hình tượng mây dày đặc mà không mưa.
“Mật Vân Bất Vũ” là chuyện trời hạn đã lâu, cỏ cây khô héo, mọi người đều mong mưa. Ai ngờ mây kéo kín trời nhưng lại không mưa.
Gieo phải quẻ này là điềm “Tạm thời phải nhẫn”.
* Hình tượng của quẻ nói rằng:
Cây trồng bị hạn lâu ngày, lá đã vàng úa, ai ngờ mây đen kéo đến nhưng lại không mưa. Nông dân ngửa mặt lên trời than thở vì sao lại như vậy?
Ngày xưa, Dương Kế Nghiệp bị vây ở Lang Nha Lĩnh gieo phải quẻ này. Quả nhiên, Dương Thất Lang đi cầu viện binh, Phan Nhân Mỹ không hề cho quân đi cứu. Đúng là ứng với quẻ “Mật vân bất vũ”, thật là “tạm thời phải nhẫn”.
* Lời thơ của quẻ Tiểu Súc:
Mây dày giăng khắp lại không mưa,
Chờ đợi người đi, chẳng thấy về.
Giao dịch xuất hành, đều không tốt,
Hôn nhân, cầu lợi chỉ uổng công.
* Lời đoán: Khí hậu bình bình, tạm thời ung dung; cãi cọ và bệnh tật khiến lòng lo âu.
* Lời bàn:
Mây là khí của âm dương, hai khí này hòa hợp mới thành mưa. Hai khí này mâu thuẫn nhau không thể mưa được. Trong trường hợp này, con người phải tạm thời chịu đựng, chờ đợi khí âm và khí dương giao hòa. Thường là khí âm phải thuận theo khí dương. Khí âm đang thịnh thì hành động không thành.
Lời giải: Tạm thời phải nhẫn.
“Súc” có nghĩa là “tích trữ”. “Tiểu Súc” có nghĩa là “tích trữ còn ít”, tức lượng chưa đủ. Quẻ này miêu tả hiện tượng hạn hán. Hạn hán không đột ngột xảy ra như lũ lụt, mà diễn ra trong một thời gian rất dài. Đã lâu không mưa, có lẽ trời sẽ mưa trong một vài ngày tới. Lời của quẻ “Mật vân bất vũ tự ngã Tây giao” xuất phát từ điển tích “Tự ngã Tây giao”: Ngày xưa vua Trụ tàn bạo, dân chúng ngày đêm mong chờ Chu Văn Vương nhanh chóng tấn công giải phóng cho họ thoát khỏi bể khổ. Nhưng Chu Văn Vương thấy thời cơ chưa chín muồi nên không phát binh. Dân đợi Văn Vương như hạn hán mong mưa. Chu Văn Vương như mây kéo đầy trời nhưng không mưa. Dân chúng đành phải chạy về phía Tây theo Chu Văn Vương.
Luận đoán tài vận:
Tình trạng tài chính của bạn đang bị “hạn hán” rất cần một đợt “mưa to”. Đứng trước tình hình bất lợi này, bạn phải hết sức kiên nhẫn. Cổ nhân nói rất hay: “Đại phú do trời, tiểu phú do kiệm”. Trước tiên phải “thắt lưng buộc bụng” để duy trì hoạt động kinh doanh, đồng thời tích cực đi tìm nguồn vốn mới.
.
.
10.QUẺ THIÊN/ TRẠCH LÝ
“Phượng Minh Kỳ Sơn” – Quốc gia cát tường.
“Lý” có nghĩa là “đi rón rén”, “rón rén mà không tiến”, vì vậy nó có hình tượng của chim phượng hoàng kêu ở núi Kỳ.
“Phượng kêu Kỳ sơn” là chuyện phượng hoàng, loài chim đại diện cho sự cát tường, rất ít khi nhìn thấy. May bỗng nhiên phượng hoàng kêu ở Kỳ Sơn, sau đó Chu Văn Vương được gọi là “Thánh Đức” dựng nhà Tây Chu. Nếu gieo được quẻ này chính là điềm “Quốc gia cát tường”.
* Hình tượng của quẻ nói rằng: Phượng hoàng đậu ở Kỳ Sơn, kêu 3 tiếng, đất nước xuất hiện thánh hiền. Trời cho Chu Văn Vương tạo dựng nhà Chu, vinh hoa phú quý kéo dài 800 năm.
Ngày xưa, Hỷ Tịnh khi lên ngôi, mơ thấy mặt trời, tỉnh dậy gieo được quẻ này. Quả nhiên, Hỷ Tịnh đến Bắc Lương, quốc thái dân an. Đúng là ứng với quẻ “Phượng minh Kỳ sơn”, thật là “Quốc gia cát tường”.
* Lời thơ của quẻ Lý:
Phượng kêu núi Kỳ báo cát xương,
Văn Vương xuất hiện, lập cơ đồ.
Người đi xa vằng, có tin về,
Kinh doanh góp vốn, đều được lợi.
* Lời đoán: Xuất hành có ích, cầu tài được lợi, bệnh tật tiêu tan, mưu sự tất thành.
* Lời bàn: Vua cuối cùng nhà Thương là Đế Tân, hiệu Trụ bỏ bê chính sự, say mê Đát Kỷ, chơi bời trác táng, dẫn tới quốc gia bị diệt vong. Hiền thần nhà Thương là Chu Văn Vương, một bậc hiền minh dùng lễ đối đãi kẻ sỹ, cho nên thiên hạ theo về nhà Chu. Sự ra đời của một thời đại mới bao giờ cũng có điềm báo.
Lời giải: Kinh tế chung phát triển.
“Lý” có nghiĩa là “đi rón rén”, vì vậy quẻ Lý có hình tượng Phượng hoàng bay đến đậu ở núi Kỳ Sơn kêu ba tiếng báo hiệu đất nước xuất hiện thánh hiền. “Lý” như dẫm lên băng mỏng, đi trên vách đá vực sâu nên trong lòng sợ sệt, cẩn thận. Mỗi một bước đi đều vô cùng cẩn thận, nếu không sẽ rớt xuống vực.
Kinh Dịch dùng cụm từ “dẫm lên đuôi hổ” làm lời quẻ. “Con hổ” ở đây ám chỉ hoàng đế nắm quyền sinh sát. Thời xưa, quyền lực hoàng đế rất lớn, còn sợ hơn cả hổ. Vì vậy, khi tiếp xúc với hoàng đế phải hết sức thận trọng, sợ xúc phạm đến hoàng đế mà bị họa.
Luận đoán tài vận:
Nếu gieo được quẻ Lý bạn phải luôn cẩn thận, cảnh giác, thận trọng trong từng đường đi nước bước. Những người quyết định đối với công việc làm ăn tiến tới, chí ít cũng thuận lợi, bạn phải “chú ý chăm sóc” đến những người này.
11. QUẺ ĐỊA/ THIÊN THÁI
“Hỷ Báo Tam Nguyên” – Đại cát đại lợi.
“Thái” có nghĩa là “thông thái” tức hanh thông yên ổn. Mọi sự hanh thông yên ổn, vì thế mới có hình tượng “Hỷ báo tam nguyên”.
“Hỷ báo tam nguyên” là chuyện một người đi thi 3 vòng thi, sau đó về nhà đợi kết quả. Một hôm bỗng thấy có người đến báo tin đỗ, vô cùng vui mừng. Nếu gieo được quẻ này là điềm “Đại cát đại lợi”.
* Hình tượng của quẻ nói: Học thức đầy người đi thi 3 vòng (Hương – Hội – Đình) đều đỗ, đắc ý trở về, hết mọi ưu phiền lo lắng, thật là vô cùng vui sướng.
Ngày xưa, Nhạc Nghị đánh Tề, Yên Vương gieo được quẻ này, trong lòng mừng rỡ. Quả nhiên, quân Yên thắng trận liên tiếp. Đúng là ứng với quẻ “Hỷ báo tam nguyên”, thật là “Đại cát đại lợi”.
* Lời thơ của quẻ Thái:
Hỷ báo tam nguyên, vận khí lên,
Mưu cầu danh lợi, đại cát hên.
Giao dịch, xuất hành đều có lợi,
Kinh doanh, góp vốn được lâu bền.
* Lời đoán: Hôn nhân thành công đã đi là được, của mất lại về.
* Lời bàn: Âm dương giao hòa thì muôn vật sinh thành, mọi sự hanh thông. Khi âm đi xuống, khi dương đi lên gọi là âm dương giao hòa. Cũng như trong một nhà, mọi người cảm thông, hòa hợp thì gia đình yên vui hạnh phúc. Theo lẽ trời đất, âm phải theo dương, vì vậy vợ phải theo chồng mới hợp với quy luật. Con người là một bộ phận của tự nhiên, vì vậy cũng phải sống, hành động theo quy luật tự nhiên, có như vậy mới có thể tồn tại lâu dài được.
Lời giải: Đại cát đại lợi, nhất lộ hanh thông.
“Thái” có nghĩa là “yên ổn, hanh thông”. Ngày xưa, mỗi khi đến tết, nàh nhà đều dán câu đối tết. Trong những câu đối tết, phần lớn có 4 chữa “Tam Dương Khang Thái” có nghĩa là Thiên – Địa – Nhân hòa hợp yên vui.
Kinh Dịch dùng cụm từ “Thiên Địa giao hòa” để chỉ quẻ Thái. Thiên địa là âm dương, âm dương giao hòa, vạn sự thông suốt, quân tử đi lên tiểu nhân đi xuống. Nếu được quẻ này bạn có thể mạnh dạn đăng kí thi tuyển 2 đến 3 trường, khả năng thi đỗ khá cao. Quẻ này biểu tượng cho mùa xuân, vì mùa xuân, âm dương hòa hợp, vạn vật sinh thành. Từ nay, mọi việc hanh thông.
Luận đoán tài vận:
Vận tài lộc của bạn rất tốt, nhưng có thể bạn chưa cảm nhận được. Có lẽ tài vận của bạn chỉ mới bắt đầu như mùa xuân. Mùa đông vừa kết thúc, mùa xuân mới bắt đầu, việc kinh doanh mua bán hoặc đường công danh sự nghiệp mới bắt đầu tốt lên. Quẻ Thái là quẻ giao hòa, bạn phải giao lưu rộng rãi mới được mọi người giúp đỡ hợp tác mới có thể hanh thông. Tục ngữ có câu “người chống tức là trời chống”, “người ủng hộ tức là trời ủng hộ”, trời đã ủng hộ, nhất định thành công.
12. QUẺ THIÊN/ ĐỊA BĨ
“Hổ Lạc Thâm Khanh” – Cát ít hung nhiều.
“Bĩ” có nghĩa là “tắc, nghẽn, không thông”.
“Hổ lạc thâm khanh” là chuyện một con hổ lớn xuống núi tìm mồi, không ngờ rơi vào hố sâu cạm bẫy của thợ săn. Hổ rơi hố sâu, mất hết uy phong. Nếu gieo phải quẻ này là điềm “Cát ít hung nhiều”.
* Hình tượng của quẻ: Người đi săn đào một hầm bẫy hổ rất sâu, để dụ hổ rơi vào cạm bẫy. Nếu hổ tham mồi, rơi xuống hầm sâu, thì hung nhiều cát ít.
Phát hiện một khu đất rộng đẹp giá rẻ, trong thời buổi tấc đất tấc vàng, ông A quyết định chồng tiền đặt cọc mua ngay. 3 tháng sau, gia đình ông chết điếng vì biết rằng khu đất ông mua nằm trong quy hoạch phát triển giao thông mới của thành phố. Người bán cố tình che giấu nên ông đã bị lừa. Đúng là ứng với quẻ “Hổ lạc thâm khanh”, thật là “Cát ít hung nhiều”.
* Lời thơ của quẻ Bĩ:
Hổ sa hố sâu thật là thảm,
Tiến lên thì dễ, rút về khó.
Học hành, buôn bán đều không được,
Cãi cọ liên miên, bệnh tật hoài.
* Lời đoán:
Của mất khó tìm, giao dịch buôn bán không thành, hôn nhân bất lợi, góp vốn thua thiệt.
* Lời bàn: Âm dương không giao hòa là Bĩ. Âm dương không hòa hợp, muôn vật không sinh, mọi sự đều tắc. Trong lúc tình trạng mọi sự đều bế tắc, con người muốn việc hanh thông cũng không được. Giống như hổ sa vào bẫy, mất hết uy lực. Hạn quẻ Bĩ là hạn sa cơ lỡ bước, nếu biết chờ thời, qua cơn vận Bĩ thì tốt, còn hành động cầu danh, cầu lợi thì không những tiền mất tật mang mà còn nguy đến tính mạng.
Lời giải: Ách tắc, hung nhiều lành ít.
“Bĩ” tức là “bị tắc, bị nghẽn”, “không thông”. Chữ “Bĩ” triết tự thành hai chữ “bất”, “khẩu” tức “có khổ khó nói”, “há miệng mắc quai” không thể biện bạch, thật là cấn cá.
Kinh Dịch dùng câu “Thiên địa bất giao” để giải thích cảnh “bĩ”, lại dùng câu “Hổ lạc thâm khanh” để miêu tả cảnh “bĩ”. Hổ đã rơi xuống hố sâu mất hết uy lực giống như kẻ sa cơ lỡ bước, giờ muốn quay lại thì đã muộn. Khi đã rơi vào cảnh bĩ thì tiến lui đều không được, chỉ biết chờ vận bĩ hết mới có thể thoát được.
Luận đoán tài vận:
Tài vận của bạn e rằng rất xấu, nguyên nhân phần lớn là do “tắc nghẽn” đầu vào, đầu ra. Nếu bị rơi vào cảnh này, bạn chỉ có nhờ cậy vào bạn bè giúp đỡ. Bạn không thể tự mình thoát ra được.
Bạn cũng có thể kiên nhẫn chờ vận bĩ qua đi, chỉ mong sao mọi việc đừng xấu hơn. Bạn cũng không nên sốt ruột, vì “bĩ cực” sẽ “thái lai” tức vận bĩ đến cực điểm sẽ đến vận hanh thông. Thường vận bĩ kéo dài 3 tháng.
Bài liên quan