Bí ẩn quẻ dịch, bài 4, quẻ 13-16 / Đòng Nhân/ Đại Hữu/ Khiêm/ Dự
Thứ Tư
BÍ ẨN QUẺ DỊCH.4
13. QUẺ THIÊN/ HỎA ĐỒNG NHÂN
“Tiên Nhân Chi Lộ” – “Đi đâu cũng lợi”.
“Đồng nhân” nghĩa là đồng tâm nhất trí với mọi người, vì thế mới có hình tượng “Tiên nhân chỉ đường”.
“Tiên nhân chỉ đường” là chuyện một đoàn người bị lạc đường, trong lúc đang hoang mang bỗng có một tiên nhân đến chỉ con đường đúng. Người gieo được quẻ này có điềm “đi đâu cũng lợi”.
* Hình tượng của quẻ nói:
Rất nhiều việc không biết làm thế nào cho đúng, khiến tâm trạng lo lắng buồn rầu. May gặp được nhà thông thái sáng suốt chỉ bảo, mọi lo lắng, u sầu tiêu tan.
* Lời đoán:
Hôn nhân tất thành, người đi trở về, của mất tìm thấy, làm việc không sai.
* Lời bàn:
Con người không có kinh nghiệm, không có đạo đức thường u mê trước các sự việc phức tạp, khó khăn. Nếu không có các cố vấn, chuyên gia am hiểu, dễ dẫn đến sai lầm làm hỏng, làm sai. Những việc liên quan đến kỹ thuật, máy móc không phức tạp bằng những việc liên quan đến con người, vì thế nếu không có tiên nhân, tức những nhà thông thái chỉ bảo, chỉ thất bại mà thôi.
Lời giải: Đồng tâm nhất trí thì sẽ thành công. Đi đâu cũng lợi, làm gì cũng nên.
“Đồng” có nghĩa là “chung”, “cùng chung”. “Đồng nhân” là kẻ cùng chí hướng, cùng lợi ích, cùng chung kẻ thù…đoàn kết liên minh với nhau để sống, chiến đấu, kinh doanh, buôn bán. Người cùng chí hướng càng đông, sức mạnh càng lớn, thành công càng nhanh.
Kinh Dịch dùng cụm từ “Thiên Dữ Hỏa” “trời và lửa) giải thích quẻ “Đồng Nhân”, có ý nhắc nhở ta nên kết giao với kẻ cùng chí hướng. Kẻ sáng suốt quang minh chính đại mới dùng được quẻ này. Kẻ tiểu nhân thì kẻ y yêu quý dù làm sai cũng không sao, kẻ y ghét thì dù làm đúng cũng vẫn bị y hãm hại. Vì vậy mới có câu “chỉ có quân tử mới có thể tập hợp được chí của mọi người” (Kinh Dịch – quẻ Đồng Nhân).
Luận đoán tài vận:
Đang tài lộc tốt, phần lớn nhờ quan hệ bạn bè. Nếu được bạn bè tốt giúp đỡ thì đại lợi. Nhưng nếu kết lầm bạn xấu, chẳng những kinh doanh thất lợi, sự nghiệp không còn. Kinh Dịch nói: “Đồng nhân chi tiên, dĩ trung trực dã” (Muốn được người cùng chung chí hướng ủng hộ, trước tiên phải trung thực, chính trực). Quân tử có thể “đồng nhân”, tiểu nhân chỉ hại người.
14. QUẺ HỎA/ THIÊN ĐẠI HỮU
“Khảm Thụ Mô Tước” – “Làm việc chắc chắn”.
“Đại hữu” có nghĩa là tất cả đất đai rộng lớn, có hàm nghĩa bao gồm cả trên lẫn dưới, vì vậy mới có hình tượng “chặt cây bắt sẻ”.
“Khảm thụ mô tước” là chuyện một người nhìn thấy trên cây có tổ chim sẻ, muốn bắt sẻ đã quyết định chặt đổ cây. Người gieo được quẻ này có điềm “Làm việc chắc chắn”.
* Hình tượng của quẻ: Chặt cây lớn bắt sẻ non là một việc chắc chắn thành công, nếu chỉ nhìn mà không làm đúng cách, không bắt được sẻ.
* Lời đoán:
Việc chưa hiểu kỹ thì không làm, phải làm theo cách chắc chắn thành công. Có như vậy, cầu danh cầu lợi mới thành.
* Lời bàn: Có nhiều cách để đạt được thành công. Cách làm chắc chắn là cách loại trừ được mọi nguyên nhân dẫn đến rủi ro, thất bại. Trước khi làm một việc gì, ta cũng phải nghĩ đến những khó khăn, nguy hiểm rủi ro sẽ xảy ra để tìm cách tránh hoặc tìm cách hạn chế.
Lời giải: “Khảm thụ mô tước” chặt cây bắt sẻ, chắc chắn thành công (quẻ tốt thì trong 64 quẻ chỉ đứng sau quẻ Ký Tế).
“Đại hữu” bao hàm tất cả, có tượng vàng ngọc đầy nhà, thu vào quá lớn, lại có tượng cách “chặt cây bắt sẻ”. Sẻ non ở trên cây, bay không được, vì vậy dễ dàng bị bắt.
Kinh Dịch dùng cụm từ “Hỏa tại thiên thượng” để miêu tả quẻ Đại Hữu. Lửa ở trên trời, ánh sáng rực rỡ, chiếu sáng khắp nơi.
Kinh Dịch nói: “Ẩn ác dương thiện” nhắc ta hãy từ bỏ việc xấu việc ác, phát huy điều thiện. Vì vậy, quẻ này còn có hàm nghĩa bỏ cái ác, theo cái thiện mới quang minh lỗi lạc.
Gặp quẻ Đại Hữu, mọi việc hanh thông. Quẻ Đại Hữu còn có ý “hòa khí sinh tài”. Vua gặp quẻ này thì thịnh trị, quan gặp quẻ này thì hanh thông, dân được quẻ này thì no ấm.
Luận đoán tài vận:
Gieo được quẻ này thì coi như gặp đại kỳ phúc, không gì tốt bằng. Chỉ có điều bạn làm gì cũng phải quang minh lỗi lạc, chớ có hành xử như kẻ tiểu nhân hèn mạt hại người. Tuy vậy cũng không nên xử sự quá nhút nhát, mềm yếu, sợ mọi người cho là nhu nhược.
15. QUẺ ĐỊA/ SƠN KHIÊM
“Nhị Nhân Phân Kim” – Vạn sự hanh thông.
“Khiêm” có nghĩa là “khiêm tốn, nhường nhịn”, không tự cao tự đại, tự cho mình là đúng, vì thế nó có hình tượng của hai kẻ chia vàng.
“Nhị nhân phân kim” là chuyện hai kẻ nghèo khổ, cùng chung hoạn nạn vui buồn có nhau, bỗng nhặt được một cục vàng, vui vẻ chia đôi, không hề tranh nhau. Gieo được quẻ này là điềm “vạn sự hanh thông”.
* Hình tượng của quẻ: Trời cho 2 người nghèo một thỏi vàng, không tranh không cướp, chia 2 phần bằng nhau. Sau khi chia, vàng cầm trong tay, ai cũng vừa lòng.
* Lời đoán: Hôn nhân như ý, xuất hành có lợi, giao dịch tốt đẹp, góp vốn được lợi, việc gì cũng cát lợi.
* Lời bàn: Quẻ Khiêm là quẻ có đạo hanh thông. Có tài có đức mà không công khai thừa nhận gọi là “khiêm”. Xử sự khiêm nhường thì việc gì mà chẳng hanh thông. Không khoe tài, không tranh khôn, không kiêu căng là biết tôn trọng kẻ khác vậy.
Lời giải: “Nhị nhân phân kim”, chia đều thì vạn sự hanh thông.
“Khiêm” có nghĩa là khiêm tốn. Kinh Dịch nói: “Khiêm giả, kiêm dã” (quẻ Khiêm, bao dung vậy). Nếu có thái độ khiêm tốn, bao dung mới có đủ trí óc sáng suốt để xem xét ý kiến bất đồng, quan điểm trái ngang của người khác. Kinh Dịch dùng cụm từ “Địa Trung Hữu Sơn” (trong đất có núi) để miêu tả quẻ này. Núi cao vậy, nặng như vậy đất còn bao dung được, huống hồ là cái khác. Đây là hiện tượng bao dung. Có khiêm tốn mới có thể hanh thông, xử sự có thủy có chung. Khiêm tốn, nhún nhường mới có thể lâu dài được. Cấp trên mà khiêm tốn thì cấp dưới mới mến phục. Kẻ tự cao tự đại, thường học thấp, biết ít nên thường dùng cách trừng phạt lung tung để ra oai.
Luận đoán tài vận:
Nếu bạn xử sự công bằng thỏa đáng, bao dung khiêm tốn thì tài vận của bạn rất tốt. Cổ nhân có câu “hòa khí sinh tài” chỉ bụng dạ không hẹp hòi, kẻ có công được thưởng, kẻ có tội được tha thứ, biết dung nạp ý kiến của kẻ dưới, biết lắng nghe ý kiến khác với quan điểm của mình mới có thể kinh doanh buôn bán thành công được.
16. QUẺ LÔI/ĐỊA DỰ
“Thanh Long Đắc Thủy” – Gặp hung hóa cát.
“Dự” có nghĩa là “vui vẻ hòa hợp”, lòng người vui vẻ hòa hợp, vì thế nó có hình tượng “rồng xanh gặp nước”.
“Thanh long đắc thủy” là chuyện Khương Thái Công trên đường gặp hổ râu rồng, biết địch không nổi, song yêu quái lại bái Thái Công làm thầy. Người gieo được quẻ này là điềm “Gặp hung hóa cát”.
* Hình tượng của quẻ nói: Khương Thái Công cắm cờ vàng, thu phục yêu quái làm đồ đệ trở về Tây Kỳ, từ đó như “thanh long đắc thủy”, thỏa chí vẫy vùng, mọi việc như ý, vạn sự hanh thông.
Ngày xưa, Đường Tam Tạng phụng mệnh đi Tây Trúc lấy kinh đã gieo được quẻ này. Quả nhiên khi đến Ngũ hành sơn, ông đã thu phục được Tôn Ngộ Không. Dọc đường, Tôn Ngộ Không lại hàng phục được yêu quái, bảo vệ Đường Tăng lấy được Kinh Phật mang về. Đúng là ứng với quẻ “Thanh long đắc thủy”, thật là “gặp hung hóa cát”.
* Lời thơ của quẻ Dự:
Thanh long đắc thủy, vạn sự vui,
Cầu tài cầu lộc, được hanh thông.
Hôn nhân, xuất hành không trở ngại,
Cãi cọ, bệnh tật, cũng tiêu tan.
* Lời đoán:
Giao dịch thành công, người đi sẽ về, góp vốn dễ dàng.
* Lời bàn:
“Dự” là “vui vẻ hợp hòa”. Muốn có vui vẻ hòa hợp phải đồng thuận. Trong nhà hòa thuận, mọi người trong nhà vui vẻ. Nhưng vui quá sẽ khiến người ta mê muội, hợm hĩnh, mất cảnh giác. Vì vậy, sau khi thắng lợi, người ta rất dễ đắm chìm trong niềm vui, không thấy bao nguy hiểm đang rình rập, chỉ chờ có cơ hội thuận lợi là tấn công ngay.
Lời giải: Thanh long đắc thủy, gặp hung hóa cát.
“Dự” có nghĩa là “vui vẻ mãn nguyện”, “hòa hợp”. Kinh Dịch nói: “Lôi xuất địa phấn” tức “trống trận vang lên, lòng quân phấn chấn”. Ngày xưa lấy tiếng trống làm hiệu lệnh tấn công. Trong gia đình, họ hàng, cơ quan, muốn yên vui phải hành động theo lẽ phải. Nếu quá đắm đuối vui chơi trở nên yếu đuối nhu nhược thì lại hung, không thể lâu dài. Thường sau khi thành công, thường người ta hay say sưa mê muội, tự cao tự đại, thậm chí mất hết ý chí. Quẻ này khuyên chúng ta phải cảnh giác với việc vui, chớ say sưa kéo dài, dẫn tới nhu nhược, tối tăm, mê muội.
Luận đoán tài vận:
Gieo được quẻ này giống như “thanh long đắc thủy” dẫu gặp sự hung cũng hóa cát. Bạn có thể còn do dự khi kinh doanh làm ăn, lo lắng được mất, lỗ lãi. Quẻ này có tượng động mà hòa thuận, nên yên vui. Vì vậy, bạn hành động theo lẽ phải, thuận mua vừa bán thì gặp hung hóa cát.
Đạo của Kinh Dịch kỳ diệu ở chỗ biến hóa thay đổi có khi “gặp hung hóa cát”, “gặp cát hóa hung”, giữ đạo trung dung, bởi cái gì quá thái đều xấu.
Bài liên quan